Lịch sử phát triển caodangnghe5qk5.edu.vn

Trường Cao đẳng nghề số 5 tiền thân là Câu lạc bộ KTQP ô tô, mô tô QK5 được thành lập ngày 5/10/1984, đến nay vừa tròn 30 tuổi. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã mang nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn đổi mới của đất nước.

     Sau gần 5 năm Miền Nam hoàn toàn giải phóng, niềm vui chiến thắng, niềm tự hào dân tộc và hạnh phúc của nhân dân chưa được trọn vẹn, vết thương chiến tranh chưa được hàn gắn, năm 1979 chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc bùng nổ, theo tiếng gọi thiêng liêng, thanh niên lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế. Thực hiện Chỉ thị số 107/CT-TW ngày 28/4/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 656/QĐ-QP ngày 10/11/1981 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Tăng cường công tác Giáo dục Quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ ngày 05/10/1984 Tư lệnh QK5 đã ra Quyết định số 83/QĐ thành lập Câu lạc bộ KTQP ô tô – mô tô QK5.

     Câu lạc bộ KTQP ô tô – mô tô QK5 là tổ chức giáo dục Quốc phòng dưới hình thức thể thao Quốc phòng và có nhiệm vụ giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo nhân viên kỹ thuật dự bị cho lực lượng vũ trang và cho các ngành kinh tế, tổ chức huấn luyện có hệ thống những kỹ năng, kỹ thuật quân sự cần thiết, rèn luyện thể lực, tác phong nề nếp kỷ luật ý chí và dũng cảm cho thanh niên đến lứa tuổi sắp làm nghĩa vụ quân sự thích nghi nhanh chóng với đời sống sinh hoạt của quân đội. Tạo lực lượng dự bị bổ sung vào quân đội rút ngắn thời gian huấn luyện chiến sĩ mới khi nhập ngũ và sẵn sàng chiến đấu được ngay.

Với ý nghĩa và yêu cầu nhiệm vụ mới, được sự chỉ đạo của Bộ Tham mưu Quân khu, Câu lạc bộ nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ, chỉ sau khi được thành lập được 05  năm đơn vị vừa củng cố xây dựng vừa tổ chức chiêu sinh  giáo dục và đào tạo được 890 h/v có 03 khoá lái xe ô tô quân sự lên đường nhập ngũ bổ sung vào quân đội đáp ứng yêu cầu công tác phục vụ chiến đấu và làm nhiệm vụ tại Campuchia. Nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập lực lượng Cán bộ, giáo viên chủ yếu được QK điều động từ các đơn vị của Cục kỹ thuật và một số Sĩ quan trẻ vừa mới tốt nghiệp ra trường để thành lập bộ khung đầu tiên của Câu lạc bộ KTQP ô tô-mô tô. Trong điều kiện nhà cửa còn tạm bợ, cơ sở vật chất còn sơ sài, giáo viên còn thiếu thốn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Bộ Tham mưu QK và sự hỗ trợ của Ủy ban GDQP, Cục QLXM/Tổng cục kỹ thuật và sự nổ lực của tập thể, cán bộ, giáo viên đã từng bước xây dựng và ổn định đưa đơn vị đi vào hoạt động. Ủy ban GDQP và Cục QLXM đã cử cán bộ vào trực tiếp tập huấn xây dựng chương trình đào tạo hỗ trợ cơ sở vật chất, lắp đặt 01 bộ Ca bin điện tử AT80 loại hiện đại của Tiệp Khắc, nhiều bộ học cụ ô tô cắt bổ khác, cả phương tiện chiếu phim, đèn chiếu, súng hơi luyện tập thể thao và nhiều trang bị giáo dục cần thiết khác. Để thực hiện tốt công tác đào tạo lúc bấy giờ còn phải kể đến công sức của học sinh quân sự các khóa 1, 2, 3 và cán bộ giáo viên đã lao động miệt mài làm thao trường bãi tập liên hoàn phục vụ công tác huấn luyện. Kết thúc các khóa học đầu tiên của Câu lạc bộ KTQP ô tô- mô tô, Bộ Quốc phòng, Cục QLXM và Quân khu đã tổ chức rút kinh nghiệm đào tạo, giáo dục thí điểm cho thanh niên trước khi nhập ngũ và cũng từ đây các Câu lạc bộ KTQP như: câu lạc bộ nhảy dù, câu lạc bộ bắn súng thể thao, câu lạc bộ tàu lượn… của các Quân khu khác đuợc thành lập tạo nguồn nhân lực mới dự bị cho quân đội.

     Năm 1989 hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia về nước, nhiều quân nhân xuất ngũ không có nghề nghiệp, thiếu việc làm trở thành nổi bức xúc trong xã hội, nhiều vướng mắc nảy sinh cần được tháo gỡ. Vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chủ truơng chính sách của Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị số 646/QP ngày 25/10/1994 về việc dạy nghề, giới thiệu việc làm cho BĐXN. Chỉ thị đã nêu rõ Bộ Quốc phòng giao cho các quân khu, quân đoàn, Tổng cục, binh chủng nhà trường và cơ sở trực thuộc Bộ, tùy theo yêu cầu và tình hình triển khai cụ thể và xây dựng thành hệ thống các Trung tâm xúc tiến việc làm trong quân đội. Để thực hiện chức năng nồng cốt là dạy nghề và giới thiệu việc làm cho BĐXN góp phần ổn định xã hội và thực hiện chính sách hậu phương quân đội, đồng thời xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

     Thực hiện Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, tháng 10 năm 1995 Trung tâm XTVL/qk5 được thành lập giao cho Cục Chính trị QK5 trực tiếp quản lý và chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức đào tạo nghề, phổ cập nghề và dịch vụ việc làm cho BĐXN và CNVQP thôi việc, các đối tượng chính sách xã hội khác gắn với giải quyết việc làm cho lao động xã hội tại các địa phương, kết hợp quốc phòng với kinh tế, củng cố hậu phương quân đội.

Với nhiệm vụ hết sức quan trọng và ý nghĩa to lớn về Giáo dục quốc phòng nhân dân và công tác An ninh Quốc phòng theo chủ trương Nghị quyết và biện pháp của Chính phủ, trong Quân khu lúc này có 02 cơ sở đào tạo do Bộ Tham mưu và Cục Chính trị quản lý chỉ đạo, để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo tạo sức mạnh mới về tiềm lực cơ sở vật chất, sự hỗ trợ về tài chính, đội ngũ CB, GV trong quân khu, ngày 11/9/1998 Tư lệnh QK có Quyết định 239/QĐ-QK sáp nhập Trường KTQP ôtô – mô tô qk5 và Trung tâm XTVL thành Trung tâm dịch vụ việc làm QK5 có nhịêm vụ đào tạo nghề, theo nhu cầu xã hội, tư vấn GTVL cho QNXN các đối tượng chính sách xã hội và người lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung Tây nguyên, đồng thời hàng năm Bổ túc tay lái, Nâng, Giữ bậc kỹ thuật cho đội ngũ lái xe, thợ sửa chữa, nhân viên kỹ thuật của Quân khu.

     Với tình hình phát triển thực tế và yêu cầu nhiệm vụ mở rộng ngành nghề đào tạo theo chương trình khung của Bộ LĐTBXH và nâng cao chất lượng giảng dạy, tay nghề cho người lao động theo qui định của pháp luật tạo nguồn lao động có kỹ thuật góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định quốc phòng an ninh của địa phương trong giai đoạn đổi mới của đất nước. Ngày 27/6/2002 Bộ Quốc phòng quyết định Nâng cấp Trung tâm DVVL thành Trường Dạy nghề số 5/BQP. Từ đây các ngành nghề bắt đầu đựơc hình thành, cơ sở vật chất được đầu tư và huy động, giáo viên dạy nghề được tuyển dụng giai đoạn này. Nhà trường tổ chức dạy nghề và phổ cập một số nghề ngắn hạn chi phí thấp dễ tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm phù hợp với yêu cầu thị trường lao động như: May CN, Tin học, Ngoại ngữ và lái xe ô tô các hạng; giới thiệu lao động và tư vấn việc làm cho BĐXN đi lao động tại các thị trường Châu Á và các khu công nghiệp. Số lượng học viên đào tạo được trên 4.795 đ/c, trong đó BĐXN 550 em. Năm 2006 Quốc hội ban hành Luật dạy nghề để phù hợp với qui hoạch phát triển mạng lưới trường CĐN, TCN  của cả nước theo định hướng đến năm 2020, ngày 5/4/2007 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Quyết định số 62/QĐ-BQP đổi tên và thành lập trường Trung cấp nghề số 5/BQP được giao trực thuộc Bộ Tư lệnh QK5 quản lý và chỉ đạo hoạt động.

      Trường Trung cấp nghề số 5 có nhiệm vụ  đào tạo nghề theo 2 cấp trình độ Trung cấp nghề và Sơ cấp nghề theo qui định cho BĐXN, các đối tựơng chính sách và nhu cầu học nghề xã hội; bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và người lao động; nghiên cứu ứng dụng công nghệ nâng cao chất lựơng hiệu quả đào tạo; tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ theo qui định của pháp luật. Đồng thời với nhiệm vụ đó Nhà trường được giao thực hiện chuyển đổi cơ chế hoạt động theo Nghị định 43/CP về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức biên chế và tài chính. Từ đây Nhà trường bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới.

       Đây vừa là vinh dự được hòa nhập vào các trường Công lập thuộc mạng lưới quốc gia, vừa là trách nhiệm nặng nề với nhiều khó khăn thách thức mới trong cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước quân số trên 200 đ/c không còn bao cấp từ ngân sách quốc phòng. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời sát đúng của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cùng với sự giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan Bộ Quốc phòng và Quân khu, Đảng ủy,  Ban Giám hiệu Nhà trường đã bám sát chức năng nhiệm vụ, phát huy truyền thống tốt đẹp, bản chất Anh Bộ đội cụ Hồ, nêu cao tinh thần tự chủ, ý thức tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm nhanh chóng giải quyết tốt công tác chính trị tư tưởng, ổn định sắp xếp lại tổ chức biên chế, tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 86/ĐUQSTW ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (Nay là Quân ủy Trung ương) về mục tiêu giáo dục đào tạo trong đó xác định nguồn lực con người có vai trò quan trọng trong giai đoạn thực hiện đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế là vô cùng cần thiết.

     Với sự nổ lực cố gắng, quyết tâm đổi mới toàn diện theo quyết định của Bộ Quốc phòng để thực hiện mục tiêu đào tạo, sau 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ vượt qua những khó khăn thách thức, phấn đấu xây dựng nhiều tiêu chí dạy nghề đạt trên chuẩn, ngày 06/7/2012 Bộ Quốc phòng có Công văn đề nghị và Quyết định thành lập Trường Cao đẳng nghề số 5/BQP trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề số 5/BQP. Đây là điểm mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc khẳng định vai trò vị trí của Nhà trường đã thực sự đứng vững, phát triển trong cơ chế thị trường và hội nhập của đất nước.

      Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, từ một Câu lạc bộ KTQP ô tô-mô tô, với biên chế 32 đ/c đến nay nhà trường đã có 13 đầu mối trực thuộc, với 4 cơ quan, 03 khoa giáo viên và 6 trung tâm trực thuộc. Quân số đã được tăng cường trên 270 đ/c; có 01 Đảng bộ cơ sở 2 cấp, với 10 chi bộ; các tổ chức quần chúng Đoàn TNCS, Công đoàn cơ sở và Hội phụ nữ cơ sở phát triển vững mạnh. Đội ngũ CB, GV nhà trường đến nay đa số đã qua trường lớp đào tạo chính quy đúng chuyên ngành phát huy được trách nhiệm, tận tâm với nghề nghiệp. Trình độ Đại học và Cao đẳng chiếm 90%, giáo viên trình độ Trung cấp và thợ bậc cao dạy Sơ cấp nghề 100%  đạt chuẩn.